Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014
Hướng vào cao tốc tpHCM - Long Thành - Dầu Giây
(LĐO) - Theo kế hoạch, từ 9 giờ sáng mai (2.1), khoảng 20km đầu tiên (đoạn từ Vành đai II – TPHCM đến quốc lộ 51 – Long Thành, Đồng Nai) thuộc dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được đưa vào khai thác tạm.Rút ngắn thời gian đi Vũng Tàu còn 1 giờ 20 phút
Cao tốc Long Thành sẽ đưa vào khai thác từ ngày mai. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h; giai đoạn 1 gồm 4 làn xe (và 2 làn dừng khẩn cấp).
Việc đưa 20km đầu tiên của tuyến cao tốc vào khai thác tạm nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp cuối năm. Đặc biệt sẽ giúp nâng cao tốc độ chạy xe, rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian, chi phí vận chuyển và đẩy mạnh giao thương giữa TPHCM và các vùng lân cận, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong khu vực....
Cụ thể từ TPHCM đi huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai hiện nay dài khoảng 45km, thời gian lưu thông mất khoảng 60 phút, nay rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 22km, với thời gian lưu thông giảm chỉ còn khoảng 20 phút.
Tương tự, từ TPHCM đi Vũng Tàu hiện dài khoảng 120km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ. Tuy nhiên, khi thông xe đoạn tuyến cao tốc trên sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km, với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc.
Từ TPHCM đi ngã ba Dầu Giây (đi quốc lộ 20 hoặc quốc lộ 1A), hiện nay dài khoảng 70km thời gian lưu thông mất 2,5 giờ đồng hồ và thường xuyên ùn tắc. Từ ngày 2.1 sẽ rút ngắn so với với tuyến đường hiện hữu 20km và thời gian rút ngắn xuống còn khoảng 1 giờ 20 phút.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55km, có tổng vốn đầu tư 20.000 tỉ đồng) là tuyến đường bộ cao tốc nằm trên trục đường bộ cao tốc phía Đông (thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Bắc - Nam), từ TPHCM nối quốc lộ 51, sân bay quốc tế Long Thành và quốc lộ 1A. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn tất khoảng 35km còn lại của tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
5 lộ trình từ TPHCM đi vào đường cao tốc
Do đoạn đường cao tốc trên mới đưa vào khai thác tạm nên thời gian đầu chỉ cho các loại ô tô con, xe khách và xe tải dưới 10 tấn lưu thông.
Sở GTVT TPHCM cũng đưa ra các lộ trình hướng dẫn người dân lưu thông từ TPHCM vào tuyến đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây như sau:
- Lộ trình 1 (hướng từ huyện Bình Chánh): Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) - Nguyễn Văn Linh - cầu Phú Mỹ - đường Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
- Lộ trình 2 (hướng từ các Q. 1, 5, 6, 8, Bình Tân): Đường Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - đường Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc. Hoặc từ Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh – cầu Thủ Thiêm – đường dẫn cầu Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - đường Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
- Lộ trình 3 (hướng từ quốc lộ 13): Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn 2 - Xa lộ Hà Nội - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống - Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao Vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
- Lộ trình 4 (hướng từ Đông Bắc thành phố): Xa lộ Hà Nội - Đỗ Xuân Hợp - Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao Vành đai 2– đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
- Lộ trình 5: Cảng Cát Lái - Nguyễn Thị Định - Vành đai 2 – quay đầu tại nút giao Vành đai 2 – đường liên phường – rẽ vào đường nhánh lên đường cao tốc.
Ông Bùi Xuân Cường - Phó GĐ Sở GTVT TPHCM - đưa ra khuyến cáo, do đường mới được đưa vào khai thác sử dụng tạm thời, vì vậy người dân khi lưu thông vào đường cao tốc nên giảm tốc độ và quan sát hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường và lực lượng điều tiết giao thông, nhằm đảm bảo an toàn.
Các loại xe bị cấm lưu thông trên đường cao tốc:
Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h; xe lam, xe công nông, máy kéo; xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các loại phương tiện làm nhiệm vụ bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc); xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ (trừ xe được cấp có thẩm quyền cấp phép); người đi bộ, xe thô sơ, súc vật; xe rơ mooc, xe sơ mi rơ mooc; xe có tải trọng trên 10 tấn, xe kéo móc chuyên dùng, xe container.
Theo báo Lao Động
Du lịch, GO!