Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Nộm da trâu, nhai lâu nhớ kỹ

(VnExpress) - Những ai chưa từng ăn món này đều nhăn mặt, vì nghĩ mình đang gặm cái mặt trống.

Da trâu rất khó lấy vì trâu bị lọc toàn bộ da, sau đó được chuyển ngay cho các mối làm trống. Ấy thế nhưng người Thái ở Sơn La đã biến da trâu trở thành đặc sản không thể thiếu trên mâm cơm những dịp đặc biệt.

< Nộm da trâu khi bày lên mâm.

Những người phụ nữ Thái đảm đang đã không ngại khó khăn để làm mềm hóa sự dai và cứng của da trâu bằng cách hơ qua lửa rồi ngâm với nước lã. Sau khi đủ độ, với con dao thật sắc, họ dùng hết sức để thái mỏng miếng da dầy đó.

Thật lạ, miếng da trâu đen xì, dầy bịch ban đầu, qua vài công đoạn tưởng như giản đơn đó lại biến thành món cực hấp dẫn từ ánh nhìn. Khi thái mỏng tang, miếng da trâu giờ có màu vàng của quả chanh Tây, bên trong là màu vàng nhạt, trong trong, cắn thử lại sần sật, giòn giòn, là lạ.

Cũng như nhiều món nộm khác của người Thái, nộm da trâu cần gia giảm thêm nhiều gia vị và rau thơm như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng.

Đặc biệt, cái làm nên thứ quyến rũ của nộm da trâu chính là vị chua của nước măng chua, chứ không phải của chanh hay giấm. Đó là vị chua thơm, thanh thanh. Nước măng chua muốn ngon phải ngâm bằng thứ măng củ tươi, nước suối và thêm những gia vị cần thiết. Măng cũng phải có thời gian để "ngấu" tiết ra thứ nước chua thanh mát mới đúng điệu để trộn món nộm này.

Nộm da trâu được xếp gọn trên mẹt hình thuyền, cong cong, sơn màu cánh gián nhạt, lại có hai tay cầm. Gắp một miếng, nhớ dùng đũa khéo léo gắp cả da trâu, thịt trâu, lạc, mùi ta, mùi tàu, nhúng sâu hơn nước nộm, hít hà…

Chà, da trâu giòn giòn đanh đanh, hơi giống vó bò nhưng giòn hơn, thớ thịt lại khác. Tợp một chén rượu, nhắp thêm miếng nữa, lần này ta ăn tinh tế hơn, nên vị chua của măng mới hé mặt.

Rồi cảm giác ngòn ngọt của thịt trâu (đã được nện kỹ cho thật mềm), vị bùi của lạc rang, thơm của mùi ta… tất cả cùng hòa quyện tạo thành thứ men ngây ngất trong khoang miệng.

Theo Lam Linh (VnExpress)
Du lịch, GO!