Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013
Đầu năm đi Cửu thác Tú Sơn
Chỉ cách Hà Nội dưới 70km, Cửu thác Tú Sơn với 9 tầng thác hùng vĩ và tuyệt đẹp như một tiên nữ Mường lộng lẫy giáng trần đủ làm mê hoặc bất kỳ ai khi đến đây.Cửu thác thượng ngàn mơ không thấy,
Long cung giếng Ngọc mấy ai hay.
Đến rồi lòng ngẩn ngơ say,
Bồng lai tiên cảnh đây rồi, Tú Sơn.
Kim Bôi được biết đến không chỉ bởi có suối nước nóng mà còn nổi tiếng bởi sự kỳ vĩ của thiên nhiên với những thác, ghềnh giữa núi rừng. Và Cửu thác Tú Sơn tại đây được ví von như danh thắng đệ nhất xứ Mường cũng không ngoa nếu ai đã từng được ghé qua những thác nước đẹp này.
Cửu thác Tú Sơn nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi - tỉnh Hoà Bình, cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km về hướng Tây Nam. Thác nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Bôi và đúng như tên gọi 'cửu thác': 9 dòng thác với 9 vẻ đẹp khác nhau cùng với sự phong phú, đa dạng địa hình, địa vật tạo nên một địa điểm vui chơi thú vị để bạn khám phá và có những giây phút nghỉ ngơi thực sự.
Nếu khởi hành từ Hồ Gươm, ta có thể đi theo đường quốc lộ 6 hướng Hà Nội - Hà Đông, qua Xuân Mai đến Bãi Lạng (Lương Sơn) - Bãi Chạo (Kim Bôi) theo đường 12B đi dốc Cung. Bảng chỉ dẫn khu danh thắng ở nơi này cho biết chỉ đi 2 km nữa là tới nhưng quãng đường có vẻ xa hơn khi phía trước là dốc Cun dài ngoằng và gấp khúc, bề mặt trải nhựa sâu hun hút.
< Đường lên Cửu thác Tú Sơn.
Ven hai bên đường Dốc Cun có những khoảnh nương ngô, ruộng lúa xanh mướt mắt cùng lưa thưa nhà dân, thấp thoáng phía chân núi có những đám mây trắng lững lờ. Ta có thể cảm nhận được sự mộc mạc, hoang sơ của cả cảnh vật và trong cả nếp sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Người dân sống quanh khu cửu thác chủ yếu là người Mường, họ vẫn giữ nguyên lối sinh hoạt cũ, đậm chất của người dân tộc.
< Con đường mòn quanh co ở cửu thác Tú Sơn rất thích hợp với các chuyến trekking cuối tuần.
Mọi thứ thật thanh bình đưa ta đến gần với thiên nhiên hơn, tiếng suối rì rào hòa lẫn tiếng chim ríu rít như thúc giục người lữ khách đến với nơi Cửu thác.
Mường Rếch, còn gọi là làng văn hóa Quê Kho, nằm ngay dọc đường dốc Cun đơn sơ với những ngôi nhà sàn gỗ thấp lè tè. Nhà nào cũng ăm ắp những bắp vàng phơi trước sân. Đang là ban trưa nên cả làng im ắng tiếng người, chỉ có dòng suối Vaitu chảy róc rách từng hồi.
Ấn tượng đầu tiên đến đây là âm thanh rì rầm như lời chào mừng ngọt ngào của dòng thác Hồ Âu Cơ. Dòng nước trắng xóa cuộn đổ xuống hòa quyện với nước hồ Lạc Long Quân, bên cạnh là tảng đá tròn như quả trứng khổng lồ trong sự tích 'trăm trứng nở trăm con', tất cả tạo nên khung cảnh thơ mộng như câu chuyện tình muôn thuở.
Những bậc đá và con đường mòn len giữa hàng hoa dại, cỏ xanh dẫn bước du khách lên các tầng thác tiếp theo của con suối. Có dòng thác hiền hòa, uốn lượn giữa các thảm cỏ và phiến đá trắng như thác Quan Lang, thác nàng Út Lót, hồ chàng Liêu... cho bạn cảm giác thanh bình, lại có những dòng thác hùng vĩ, tung bọt trắng xóa đầy sức sống như thác Trượng Phu, thác Bạc…
Cửu thác Tú Sơn bao gồm:
1. Thác Tiên Tắm luôn xanh mát và rì rào tiếng nước chảy.
2. Thác hồ Âu Cơ nằm ở thượng ngàn cửu thác Tú Sơn, nơi đây còn lưu dấu tích một quả trứng Âu Cơ khổng lồ hóa đá.
3. Thác Quan Lang trải đều như chiều dài cái chiếu đổ nghiêng.
4. Thác Hồ Út Lót gắn liền với câu chuyện tình yêu trắc trở của nàng Út Lót vừa thông minh, vừa xinh đẹp với chàng Hồ Liêu không lấy được nhau hóa thành đôi bướm trắng rập rờn đùa vui bên dòng suối.
5. Thác Bạc là thác nước cao, có lẽ dáng hìn đẹp nhất trong cửu thác.
6. Thác Động Long Cung chính là một dòng suối cổ xưa được chảy từ đầm hồ ba nhánh. Do trên cao đất đá tuôn xuống đã lấp tắc phía trên làm nước đổi dòng, suối này giờ đây trở thành hang động huyền ảo.
7. Thác Vườn Thượng Uyển là nơi có không gian mát mẻ với khí hậu lạnh hanh hanh như Đà Lạt.
8. Thác Thiên Ngọc Thạch - từ chân thác này khi nhìn lên trời cao sẽ thấy một hòn đá khổng lồ, tròn vo màu xanh ngọc do cây và rêu phủ xung quanh.
9. Thác hồ Trượng Phu cao có thể đến hàng trăm mét, tựa như một dòng nước từ trên trời nối xuống hồ Tiên Sa.
Khách ưa bơi lội sẽ rất vui sướng khi được đắm mình trong dòng nước mát lạnh của những hồ nhỏ được thiên tạo ngay dưới chân mỗi thác. Trải dọc bờ suối luôn có những căn chòi lá nhỏ xinh và sạch sẽ để du khách nghỉ chân. Dùng bữa trưa kiểu picnic giữa thiên nhiên núi rừng sẽ là trải nghiệm thú vị mà kẻ lãng du sẽ không dễ dàng từ chối.
Còn nếu bạn là người có sức khỏe tốt và thích khám phá thiên nhiên, hãy đưa chân chinh phục toàn bộ 9 ngọn thác. Tiếng chim hót cùng cảnh đẹp của hoa lá cỏ cây sẽ giúp bạn nhanh chóng quên đi mệt mỏi và vượt qua quãng đường dài không mấy khó khăn.
Đi qua cây treo cầu rung rinh trước gió và gần 200 bậc thang đá sẽ đặt chân đến ngọn thác cuối cùng nằm tại độ cao 1.300m, cũng là nơi không khác gì “vườn thượng uyển”. Chỉ cần đến đây bạn vẫn có thể được tận hưởng không khí trong mát như Đà Lạt, Sa Pa và chiêm ngưỡng những loài cây, hoa lạ mắt... với tứ phía là những cánh rừng già nguyên sinh, xanh thẳm mờ sương.
Bên cạnh những cảnh vật thiên nhiên, khu vực cửu thác Tú Sơn còn có cơ sở vật chất đầy đủ tiện nghi để phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách như khu nhà sàn, biệt thự, khu vui chơi cho trẻ em, bể bơi, khu tắm nước nóng, nhà hàng sang trọng với nhiều món đặc sản xứ Mường, được chế biến từ sản vật tươi ngon của địa phương.
Khách sẽ được khám phá, hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc Mường, được tận mắt nhìn thấy khung cảnh sinh hoạt, sản xuất của họ, được tận mắt ngắm những con nước, ngắm ruộng bậc thang, những cô gái Mường e ấp trong bộ váy áo...
Cửu thác Tú Sơn thu hút khách du lịch không chỉ bởi thiên nhiên hùng vĩ, thêm vào đó là những nét đặc trưng về văn hóa, những đặc sản của núi rừng với món ăn, thức uống của người dân tộc. Có cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui. Du khách sẽ được cùng ăn, cùng sống, đốt lửa, cùng thử sức với những công việc lao động của người Mường quanh khu du lịch...
Các món ăn như cơm lam, rượu cần, thịt lợn mường, măng đắng, thịt gà nấu măng chua, thịt nướng... sẽ khiến khách đã một lần đặt chân tới miền này ắt hẳn sẽ muốn quay trở lại lần sau.
Du lịch, GO! - ảnh Khoitran, và nhiều nguồn khác.
Chinh phục cửu thác Tú Sơn