Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013
Ấn tượng Bắc Sơn
Huyện Bắc Sơn là địa danh nổi tiếng của nền 'Văn hoá Bắc Sơn', nơi có ngọn núi Khau Kiêng hùng vĩ bốn mùa mây phủ, là một thung lũng bằng phẳng với những cánh đồng thẳng tắp và là vùng đặc sản quýt vàng với hương vị đặc trưng thơm ngon không ở nơi đâu có được.< Thung lũng lúa Bắc Sơn trải dài giữa những dãy núi.
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lạng Sơn theo quốc lộ 1B 75 km, huyện Bắc Sơn có tổng diện tích tự nhiên gần 699.000 km vuông, trong đó có đến ¾ là đất lâm nghiệp. Cư dân trong huyện chủ yếu gồm người Tày, Nùng, Dao, Kinh sống bằng nghề nông và chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
Ấn tượng đầu tiên khi đến vùng đất này là một miền khí hậu trong lành, tươi mát xen lẫn sự hoang dã của núi đá và những con đường đèo tay áo. Thị trấn Bắc Sơn nằm trọn trong lòng thung lũng rộng lớn, bao quanh là những ngọn núi nhỏ khiến người ta dễ liên tưởng tới một miền hoang sơ cổ tích.
Lên tới đỉnh đèo Tam Canh nhìn xuống thì chưa có nơi đâu màu xanh lại ngút ngàn đến thế. Những cơn mưa phùn khiến cho toàn bộ cánh đồng trong thung lũng và chân những ngọn đá vôi phủ đầy nước.
Mưa khiến cho các ngọn núi bốc hơi và mờ ảo. Những bản làng của người Tày, người Nùng, người Dao nằm sát dưới chân núi tạo thành một cấu trúc không gian theo kiểu núi ôm quanh nhà, nhà lại ôm quanh ruộng lúa, tạo thành ba lớp không gian vừa chặt chẽ, vừa đan cài, vừa bổ trợ lẫn nhau thật thơ mộng.
Nhà sàn cổ của người dân Bắc Sơn phần lớn làm bằng gỗ tứ thiết (nghiến, lý, đinh, lim), cột kê trên đá tảng, lắp ráp bằng mộng kép, sàn lát ván hoặc giát tre, xung quanh ghép ván gỗ, mái lợp ngói máng đều đặn, nhấp nhô như những làn sóng, tạo được dáng vẻ mềm mại, chắc chắn, xinh xắn.
Có thể thấy, vòng cung núi đá vôi Bắc Sơn - Ngân Sơn chạy qua hầu hết các xã trong huyện, xen lẫn là các vùng núi đất và thung lũng bằng phẳng đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, đặc biệt là các hang động trong lòng các dãy núi đá. Những hang động này tựa như những lòng bàn tay khổng lồ, từ xa xưa, đã che chở cho bao tốp người Nguyên Thủy tránh mưa nắng, thú dữ.
Trong những ngày tiền khởi nghĩa, đó là lại nơi che giấu chiến sĩ cách mạng hoạt động tại Chiến khu Bắc Sơn điển hình như hang Hữu Vĩnh, hang Cốc Lý, hang Thắm Hoay,... đặc biệt là hang Nàng Tiên ở xã Nhất Hòa với vòm hang rộng và những luồng ánh sáng ngược trông rất kỳ ảo, hang dài cắt qua nhiều ngọn núi như một dòng suối cạn chảy qua.
Với 40% diện tích là núi đá và đồi núi, các dãy núi đá vôi trùng điệp ở Bắc Sơn đúng như sách cổ đã ghi là “Thiên Phong Vạn Lĩnh”, có nghĩa là dãy núi có hàng ngàn ngọn, hàng vạn đỉnh. Trong đó hùng vĩ nhất phải kể đến ngọn núi Khau Kiêng, với độ cao trên 1.107 m có nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là cây chè đặc sản.
< Ngày hội ở Bắc Sơn.
Bắc Sơn giàu có những di tích kiến trúc cổ hội tụ giá trị văn hóa Bắc Sơn lâu đời như Cầu Lợp, Đình Long Đống. Cầu Lợp Long Đống được làm vào năm Chính Hòa thứ 23 (1763). Cầu được làm bằng chất liệu chủ yếu là gỗ, được thiết kế theo kiểu “Thượng gia - Hạ kiều”, có chiều dài 22,4m, được chia thành 8 nhịp dầm.
Sàn cầu cũ được lát bằng ván xẻ ghép sát vào nhau. Mái cầu lợp bằng ngói âm dương. Cây cầu này đã giúp cho việc giao thông làng xã trong vùng và là một nét rất độc đáo của vùng quê Đông Bắc xa xưa. Cách cầu Long Đống chừng 100m về phía bắc là đình Long Đống. Mặt chính của ngôi đình quay về hướng đông nam – nơi có cánh đồng trải rộng. Đình được khởi công vào thời Nguyễn, năm Gia Long thứ 12 (1813), hoàn thành vào năm 1814.
Chuyện kể rằng: có hai vợ chồng họ Phan người làng Mông Ân thuộc tổng Bình Gia, đã có công đánh đuổi bọn giặc cướp bóc dân làng. Biết được điều đó, vua đó ban thưởng cho họ và sắc phong “Hoàng tộc vị thần”. Cấp đất cho lập làng mới và đổi họ Phan thành họ Hoàng. Khi hai vợ chồng họ mất đi nhân dân ghi nhớ công ơn đó lập đình thờ và suy tôn họ là thần hoàng làng. Kiến trúc đình theo kiểu chữ nhất gồm 5 gian với 48 cột gỗ lim lớn, chắc chắn, chung quanh có ván bưng. Trên đũn bẩy, đầu dư và nóc… các họa tiết như hổ phù, phượng vũ, tứ linh được chạm khắc công phu tỉ mỉ đan xem bộ tứ quý cúc, mai, tùng, trúc. Các họa tiết trên mang đậm phong cách nghệ thuật chạm khắc dân gian truyền thống của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX.
< Quýt Bắc Sơn.
Ít ai biết, Bắc Sơn có một đặc sản nổi tiếng là quýt. Loại quýt chỉ trồng được ở Bắc Sơn mà không trồng được ở vùng nào khác. Quýt Bắc Sơn khi chín, vỏ ngoài rất mỏng, nhẵn bóng, múi mọng nước và rất thơm mát…
Từ hàng chục năm nay, giống quýt vàng Bắc Sơn đã nổi tiếng bởi màu vàng của nắng, vị ngọt của núi, hương thơm của gió rừng, dường như bao tinh tuý của núi rừng Bắc Sơn đã dồn vào, tạo cho quả quýt có một hương vị đặc biệt thơm ngon mà không một nơi nào có thể sánh được.
Nắng chiều tháng ba, Lạng Sơn không gay gắt như Hà Nội. Trèo lên ngọn đồi Mỏ Nhài thăm khu di tích lịch sử Bắc Sơn, ngắm tượng đài chiến sĩ trên đồi Mỏ Nhài rồi phóng tầm mắt ra xa nhìn bao quát khung cảnh Bắc Sơn, du khách cảm nhận được đến với Bắc Sơn là đến với vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, là hành trình về nguồn có nhiều ý nghĩa.
Theo Vietgle.vn, ảnh iHay
Du lịch, GO!